Quần-đảo-tráo-tên (3) (2024)

Trường ca thời sự của Đỗ Quyên

CHƯƠNG 5

“Thủy triều người nhân loại bể”[144]

5.1 BÀI HỌC MƠ SÁNG TÁC THỰC

… Đổ Quiên

ngươi mơ hay tỉnh

nghe đây nghe đây

nống lên

hô biến

phản Tự sự

bỏ Khách quan

giải Cấu trúc

phóng Ngôn từ

phá Trật tự

chống Diễn dịch

liên Văn bản

đồng Sáng tác

nhòa Trung tâm

tâng Ngoại biên

phỏng Lịch sử

cởi Linh thiêng

Hài giễu nhại

(bửu bối này thần kỳ

đi thẳng tới tận quần

chúng cùng giới tinh hoa)

nhập nhằng Thể loại

sáo chộn[145] Thể tài

Văn phong anh Hai

Ngẫu nhiên dán ghép

thay máu Tâm thức

Hoàn cảnh vượt rào

cảnh giới Cảm quan

Phì đại tới từng Cực tiểu[146]

túm lại

Thy pháp

Chào nưu

Chủ nghỹa

Khuinh hướng

Hậu hậu đậu

cứ dzậy cứ dzậy

tà la tùm lum

và hơn dzậy nữa

tùm lum tà la

bí kíp chỉ là

Nhận thức qua Cảm xúc

Thật lòng ta muốn bổ sung

cho bản trường ca quần đảo

tùy nghi tùy hứng tùy tâm

đặng ra tác phẩm xứng tầm nước non

hay dở nào vẫn cần

Chuyền thống vững nền

vẹn toàn Bản xắc

Giân tộk Đạy trúng

Kách tân Toàn kầu

nhé

cũ mới gì luôn phải

yêu Tổ quốc quý đồng bào

thương nhớ biển đảo dạt dào nhớ thương

nha

(cùng chốt khẳng định ngay và luôn

một và chỉ một điều tiên quyết

Trung tâm tạo bởi lục bát trên

không ở đâu và không khi nào

bị phá hay bị hủy

bị xóa hay bị bỏ

vi phạm dù trong nghĩ suy

đã là hỏng hết bánh kẹo[147])

tà la tùm lum

cứ dzậy cứ dzậy

tùm lum tà la

và hơn dzậy nữa

bí kíp chỉ là

yêu Tổ quốc yêu đồng bào

thương nhớ biển đảo dạt dào nhớ thương

Cuối cùng mách nhỏ nước đi chính

chương đầu Thủ

chương cuối Vĩ

như nhà ngươi

thoáng nhận ra

cốt lõi gốc
khi đau đáu

dựng khung bài

tự sướng mãi

trường ca tư liệu

Quần-đảo-tráo-tên

hậu sinh khả úy

khà khà khà

nghe rõ chửa

tiến hành nào

ngay và luôn

khả úy hậu sinh

tin thì tin không thì thôi

trường ca trường cốc để đời mới ngoan

*

… Dám thưa mọi cao kiến

Tiền nhơn dạy trong mơ

kẻ hèn xin lĩnh hội

đội muôn lời tri ơn

riêng dàn bài Thủ - Vĩ

nhọc nhằn quá đỗi em chã[148] dám theo

chí khí đành rằng cũng uất phết

giang hồ mê chơi hên mà chưa quên quê hương

ngặt nỗi tài thấp phận thấp thần thế cũng thấp thân thể càng thấp[149]

em chã dám thật tình em chãdám

Thưa vâng

quả có vậy

trường-ca-ca em may bữa đó Phật độ buông tay chỉ trăng mà trỏ cho vật báu

rằng

Vật-nuôi-cưng khốn khó

Hai-quần-đảo một-Tổ-quốc

trong thập niên qua sở hữu

Thủ và Vĩ

hai kiệt tác

viễn kiến kèm tâm huyết

chưa kể nội dung nội hàm nội lực nội công cùng những miếng mảng thi pháp

trường-ca-ca em đây

như Tiền nhơn cũng tỏ

làm sao đủ vốn sống kiếp này

thẩm thấu

viễn kiến

tâm huyết

nội dung

nội hàm

nội lực

nội công

chất chứa nơi hai kiệt tác

kiếp sau tà tà tính tiếp

(chẳng nhẽ món nợ quần đảo di truyền tới tận hai kiếp)

Quả có vậy

thưa vâng

hai ông-thần

hai tác giả

hai tác phẩm tầm thủ-vĩ

Thủ

Đảo Chìm[150]

của một ông thần-thơ mà có nhẽ ba phần năm dân số nhẵn mặt trơn tên[151] bởi nước ta là quốc gia thi ca có hạng

La Meurtrissure - Painful Loss[152]

(tạm dịch Nỗi Mất Mát Bầm Gan)

của một ông thần-hoàng mà nếu một phần năm dân số làng-nước-nam còn chưa tường tên tỏ mặt thì người làng-nước-nam ta chưa thể gọi là yêu người yêu nước

Đó

Top 2 trong Tứ Đại Danh Tác Biển Đảo Nước Nam[153]

(cực kỳ oách

oách vô cùng Tổ quốc ta ơi[154])

5.2 TỪ TIỂU-THUYẾT-THỜI-SỰ ĐẾN TRƯỜNG-CA-THỜI-SỰ

Hoa nhà trồng được không nhẽ không trưng

phí rượu phí hoa

chả ưa chém gió chỉ ham gom tí tẹo gợn khí cho chuyện biển đảo nước non thành bão

… Mươi năm trước vẫn đề tài lớn vô cùng (cũng Tổ quốc ta ơi)

chuyện dài ngàn năm vui buồn ân oán bên này bên ấy

trường-ca-ca ta nom vớ vẩn thế thôi vẫn gồng mình còi ráng sức mọn đặng ra nổi một cuốn sách[155]

văn ích ra phết chứ chả chơi[156]

(đây đâu ở không

ném chữ xem tăm

uổng gỗ cây rừng

bla bla bla bla[157])

tiểu-thuyết-thời-sự

chả giống bố con nhà nào từ trước đến lúc ấy hẳn nay vẫn thế

hơi bị oách

(thì cứ nống lên oách đi

mất gì của bọ[158])

Giờ tới cái trường-ca-thời-sự

mang khá nặng đẻ khá đau

cùng tựa nền đất chung nhưng là cây độc lập

(may sao vẫy dụ được không ít quý bạn đọc kéo đến nhòm ngày hóng đêm

lại nống lên rồi hì hì

bọ chả mất gì)

cây mới này

không um tùm xum xuê rậm rì lằng nhằng chuyện quan hệ hai quốc gia láng giềng dằng dai chinh chiến mà một bên rành rành bị bên kia xâm lăng xâm lấn xâm lược xâm phạm xâm hại xâm đoạt xâm cướp xâm nhập suốt dăm thiên niên kỷ qua[159] cho tới vụ Giàn khoan

cây mới này

chỉ đau đáu chăm chăm nhăm nhăm nhằm nhắm một hướng vươn thẳng băng

quanh quanh hai đại biến cố đại dương

hai quần-đảo-bị-tráo-tên

tức ta tức tưởi…

*

… Không phải áo thụng vái áo thụng đâu

vẫn cứ kể một trùng hợp

thể nào cũng có bạn ít nhiều khoái tỉ

các cụ đồ xưa dạy chí nhớn tìm nhau

“les beaux esprits se rencontrent”[160] (ngài văn hào tây nọ cũng từng phán thế)

chí trường-ca-ca bằng con chấy cọng rau

chả hiểu sao ba cái chuyện thời sự dẫn đụng voi rừng cành gộc[161]

Số là thế này

chương khai mở tiểu thuyết thời sự Trung-Việt Việt-Trung

hình thức và nội dung y chang một truyện ngắn ngon lành riêng rẽ

Chuyện Tổ Quốc Moving Bất Thành[162]

tóm tắt truyện như vầy

(thôi thì cứ văn xuôi thẳng băng cho sớm chợ quê

thơ thẩn vần vèo âm điệu rách việc lê thê

xuống chữ lên dòng nhọc hơn lão nông lên bờ xuống ruộng)

Là người gốc Vượt Nam định cư tại thành phố biển Hongcouver, thi sĩ Đậu Phủ đau đáu hoài về thân phận ngàn năm nhược tiểu của đất nước quê nhà dưới ách ngoại xâm bởi nước láng giềng Chung Huê.

Một trong các dự án bất thành của thi sĩ là chương trình moving toàn bộ tổ quốc Vượt Nam sang xứ Calada - quốc gia hiện đại và văn minh đầu tiên, và cũng là chủ nhân ông vĩnh viễn của nửa địa cầu phía Nam với 34 thứ nhân quyền (nhưng không có quyền gây chiến và quyền làm thơ).

Truyện ngắn được diễn tiến trong một bối cảnh thường niên suốt hơn thập kỷ của các chiến dịch hải chiến đối phó với nạn châu chấu từ đại lục xâm lấn hải đảo cửa ngõ Vượt Nam…

*

… Không phải áo thụng vái nhau đâu

vẫn khẳng định bạn hiền tri kỷ

cùng chung một họ lại có tầm nhìn liên tài

vạch trúng cái hồng tâm ở ta về lối viết[163]

tài thật tài thật tài đến là cùng tiên sư anh Thi Pháp[164]

Thề có sóng biển đông quật ngửa (nhưng rồi lại cho lồm cồm bò dậy được ngay)

nếu ta nói điêu điều chính ta cũng không tin ta

viết được hai phần ba (đúng ra ba phần tư nhưng viết vậy cho hiệp vần a)

của trường ca

về hai quần đảo của chúng ta

tác giả là ta mới sực nhớ ra

bài bạt mang tầm cặp đôi huyền thoại Tử Kỳ - Bá Nha

dạo ấy nằm lòng mà nay mới sém già đã suýt quên hết cả

ha ha ha

Thề phát nữa có gió biển đông cảnh báo

nhập cuộc trường ca đây ta đâu dám dòm lại pho tiểu thuyết oách một thời

mỗi tác phẩm tử tế nào chịu ôm phận sái hai

khi chính người viết đã trót ẵm tính từ tử tế cho thanh danh tác giả

A nhưng này

riêng lối viết gần như mặc định

(đời thằng nhà văn nhà thơ được nuôi báo cô

trời cho với tới một lối viết riêng

đã có thể sướng như điên vợ khen ngỏm củ tỏi được rồi

đổi xe đổi vợ đổi nhà

đổi nghề đổi sếp chốc đà phút giây

đổi thi pháp chuyện tháng ngày)

Và thế là cũng rất

vô tình

(thật lòng đấy khỏi thề bồi nữa nhé

sóng và gió biển đông Tổ quốc đang bận nhiều đại sự tày trời)

ta nhi nhiên xài xể nơi đây

thi pháp đại dương

thi pháp đại dương

thi pháp đại dương

trường ca quần đảo

trường ca quần đảo

trường ca quần đảo…

5.3 ĐIỆP KHÚC

… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?

Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần giữ nước?[165]

CHƯƠNG 6

Vĩ độ

6.1 HAI CHUYỆN TÌNH HAI QUẦN ĐẢO

Trường-ca-ca choàng tỉnh thức

sóng vỗ ru bờ đong đưa

ý như muốn bảo rằng chưa

bình minh mới còn nhu nhú

6 đồng hành nữ chung phòng

giường tầng hẳn đương say nồng

chiều qua liên hoan đằm thắm

sắp tạm biệt đảo buồn lắm

mười ngày trôi một chuyến đi

thâm nhập thực tế hiếm khi

hải trình 1000 hải lý[166]

biển là quê đảo là nhà[167]

năm chục chàng nàng thi sĩ

văn sĩ nghệ sĩ họa sĩ…

… Nàng thơ nghiêng người ngó cửa

còn khép kín gió động lay

ngoài ấy chàng sĩ quan trẻ

đêm qua đứng gác trao tay

quờ lên áo choàng ngực trái

tấm huy hiệu thép lạnh sắc

theo hơi búp hồng mềm ấm

nữ sĩ vuốt vuốt vuốt vuốt

bản thảo trường ca quần đảo

khung bài phác từ đất liền

cả năm trước ngày xuất phát

ý tưởng nuôi dưỡng triền miên

nhưng đến nơi nàng lăn tăn

viết sao thấm máu biển xanh

suốt trời thẳm xương tiền bối

bao đời trấn giữ vang danh…

… Quay đầu lướt gió con tàu

dần dần khuất mặt trời đâu

giàn khoan đâu bãi đảo đâu

bàng dừa bão táp phi lao

cánh tay họng pháo một màu

trời biển ơi[168] thoắt trào dâng

sóng lòng cả trăm nhân mạng

cười khóc than kêu vui sầu

mươi phút trước giờ ly biệt

biển trời ơi bỗng lặng yên

bao nhiêu chàng nàng sĩ sĩ

bấy nhiêu cái đầu muốn rủ

bấy nhiêu cái nhìn vô biên…

Chợt trường-ca-ca thảng thốt

cúi ngực trái ngó trân trân

sao thế này ơi trời biển

nàng giật tấm huy hiệu đỏ

giơ lên soi khóc đây rồi

con hằng cầu biển trời ơi

quần-đảo-bị-tráo-tên đó

đã về phục sinh Chúa tôi

đoạn nàng quay sang những người

kề bên ngắm soi ngực trái

lắp bắp lắp bắp xin lỗi

thế này sao trời biển ơi…

… Thì ra quả là duy nhất

cái của nàng trường-ca-ca

sau chữ “Huy hiệu chiến sĩ…”

là tên quần-đảo-đi-xa

tất cả mọi người tất cả

những kỷ niệm chương vuông đỏ

xanh dương huân chương quân chủng

hai hàng chữ vàng vẫn nổi

một dòng “Huy hiệu” sáng bừng

một dòng “Chiến sĩ” kèm tên

chính danh quần đảo sa trường

Tổ quốc đang giữ chặt lòng

mà đoàn sĩ sĩ vừa thăm…

… Cả tàu sóng lại trào lên

trăm nhân mạng tay nhanh truyền

vuông đỏ tấm huy hiệu đó

quần-đảo-bị-mấtngời tên

vị Trưởng đoàn Chuẩn đô đốc

nhè nhẹ đỡ khẽ nâng nâng

những ngón tay sần rám sạn

chiều qua rung cài nơi ngực

5 chàng nàng sĩ đại diện

(có trường-ca-ca hiển nhiên)

tướng quân cả cười trong gió

“cánh văn nghệdzui quá ta

đùa dai như là quỷ ma

bái phục quý cô quý bà”

bay bay mái tóc muối tiêu

Chuẩn đô đốc dần xuống giọng

“thiệt lòng mỗi lần gắn tặng

qua cũng xốn xang nhiều nhiều

cứ nhủ bao giờ tới nhỉ

ngày chủ quyền trả về ta

để trao tấm bằng kỷ niệm

vàng tên quần-đảo-đang-xa”

hu hu tướng quân nghệ sĩ

còn hơn nhiều đám sĩ sĩ

lệ dào nhòa gương mặt bóng

thơ ngây tỏa tựa hài đồng…

Đoàn tàu HQ 23

lặng lẽ đường về quân cảng

nghĩ tới quần-đảo-vắng-nhà

chẳng ai còn tâm tư hỏi

kỳ diệu nhãn tiền xảy ra

tên quần đảo đây đang còn

tên quần đảo kia đã mất

hô biến hóa thân biển biết…

Vĩ thanh 1:

… mô Phật ạ đơn xin nhận kỷ luật đồng kính gởi các cơ quan chức năng tui là nữ họa sĩ thị màu thành viên kiêm phụ trách nhóm họa sĩ khối văn nghệ sĩ trong đoàn công tác liên danh đột xuất đặc biệt số 13 để tham quan tặng quà động viên và không thể thiếu là sáng tác về biển đảo theo con tàu HQ 23 mang tên hải lý (và sau chuyến đi hai chúng tôi tha thiết ước mong con tàu nhân duyên này được đổi tên thành tình-hải-lý hoặc chí ít thành lòng-hải-lý lý do xin sẽ giải trình ở dịp khác trong vòng một năm tui xin hứa)

mô Phật ạ dạ vâng nữ họa sĩ thị màu tui đang viết đơn ngay trên boong tàu HQ 23 vì e rằng khi về đất liền sẽ tạo nghiệp chướng do hành động nghịch dại trẻ trâu không xứng với xương máu mồ hôi của các chiến sĩ đồng bào đã đang và sẽ còn hy sinh mất mát vì hai quần đảo pháo đài tiền tiêu thiêng liêng vô ngần thân thương hết đỗi trên lãnh hải Tổ quốc

mô Phật ạ số là khuya hôm qua khi mọi người trong đó có nữ thi sĩ trường-ca-ca đang ngon giấc nồng say để sáng nay còn trở về đất liền kết thúc hai tuần sôi động thì cái đứa gây tội lỗi là thị màu tui đã len lén tháo tấm huy hiệu khỏi áo khoác mà nhỏ trường-ca-ca đang mặc và rồi mau lẹ âm thầm thay tráo các chữ tên quần đảo của chúng ta đang còn bằng tên quần đảo cũng của chúng ta đã mất

mô Phật ạ đó là tại bởi 4 lý do mà lý do nào cũng chính đáng

mô Phật ạ lý do thứ 1 nhỏ trường-ca-ca lúc đó còn là bồ của tui thì tui mần chuyện chi chi với nó cũng từ bổn phận cùng trách nhiệm của tình yêu lứa đôi trong tình đồng nghiệp văn nghệ sĩ xen tình đồng hành công tác thực tế

mô Phật ạ lý do thứ 2 mười bốn ngày qua nữ sĩ trường-ca-ca sống dở chít dở với bản trường ca dang dở của mình khi nó giở chứng theo cái tính khí thất thường mà đám thơ thẩn đứa nào cũng sở hữu tức là trường-ca-ca đã thay tráo chủ đề chính của bản trường ca từng được cấp trên xét duyệt (nói về binh tình biển đảo chung chung với điểm nhấn tất nhiên là về quần đảo đang được tham quan) trở thành chủ đề về quần-đảo-đang-xa (nữ tác giả đã nhập vai đến mức mấy đêm qua tui nằm trong tay nó thay vì nói mớ âu yếm gọi tên tui như bao đêm trong đất liền thì nó đều thê thiết kêu tên quần-đảo-đi-xa)

mô Phật ạ lý do thứ 3 tui cũng nghĩ giống nhỏ bồ về quần-đảo-vắng-nhà nên thấy phải làm gì tại đấy lúc đó ngoài việc vẽ nặn mấy cái tranh tượng dễ ợt về quần-đảo-đang-còn cũng cần thiết nhưng các đồng nghiệp khác đã nặn vẽ cả rồi

mô Phật ạ lý do thứ 4 hơi bị tế nhị nhạy cảm nên tui xin trình bày dài dòng à nha vâng cũng vẫn cái sự riêng tư nhỏ như con thỏ đặt cạnh chuyện chủ quyền đất nước to tựa con voi rằng tôi chút phận đàn bà (dù dính chút song tính) ghen tuông thì cũng người ta thường tình chuyện là vầy lúc đó tui đang giấc mộng ngon lành cành bàng vuông (hình chiếc bánh chưng[169]) trên bắp tay trần mập khỏe mà vỡn ấm mềm của trường-ca-ca thì bỗng dưng nó tung mền vùng dậy vội đội nón cối nhanh cài dép râu để mặc tui nằm xụi lơ gần như hổng mảnh che thân (dẫu hổng còn tơ vâng tui biết cái tấm thân già dở của mình lắm) rồi xăm xăm băng lối vườn (rau các chiến sĩ ta trồng xanh rờn quanh đảo nơi mà đến một cái gai cũng không sống được[170]) khuya một mình[171] ra ngoải mần chi đó tới tận 23 phút lận và khi vào nó chả thèm thanh minh thanh nga thanh tâm tuyền gì sất cứ hồn nhiên bảo là nói chuyện chia tay với chàng trực ban thiếu úy bọ (thiệt tình đây là đơn từ nghiêm chỉnh đâu phải chốn chợ Phây chém gió chứ cấp bậc lùn như rứa dưới tầm đại bác của nữ họa sĩ thị màu tui à nha) nhưng phải công nhận chàng nầy cực bô trai gấp hai lần deyanov thể hình chuẩn dài dai lại trẻ hơn nàng ta tới dăm ba tuổi họ vừa mới cặp chỉ qua mấy ngày trên đảo tui biết thừa mà cứ phải mần thinh hu hu

mô Phật ạ trong khi tưởng tượng các kịch bản đã xảy ra (dù không thèm hỏi nhưng tui đoán cùng lắm là chia tay kiểu vũ uyên thời uýnh mẽo bao cấp “phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình điều chưa nói thì bàn tay đã nói mình đi rồi hơi ấm còn ở lại còn bồi hồi trong những ngón tay ta[172]) chớ đâu dám liều chết đến mức chia chân chia đùi như đám 4.0 bây giờ vì tui được một thượng cấp tầm trung ương quản lý bật mí riêng rằng kỷ luật thép trên đảo ấy nghiêm bậc nhất toàn quân chủng đúng thế không nghiêm ngộ nhỡ bên bển họ phóng thả người nhái mỹ nhân kế sang đánh úp đảo giữa đêm à) rồi đang xảy ra và sẽ xảy ra với hai người

mô Phật ạ tui liền nổi cơn tam bành nhưng nhờ Phật độ chỉ trong 23 sát na thôi nên không thể có phản ứng phụ như “tiếng gọi lính mịt mù bão cát tiếng gọi lính từng giây khẩn thiết”[173] để phải nén lại lặng lẽ mần thinh (như cả chục lần từng mần thinh trước chục lần quá đáng của nó trong suốt mấy năm qua với đỉnh cao xảy ra ngay đêm trước hôm xuất hành ra đảo chứ đâu xa)

mô Phật ạ thế là tui quyết định bày chuyện (thực ra ủ mưu từ mấy hôm trước lận) chọc chơi nữ sĩ trường-ca-ca bằng tay nghề của một nghệ sĩ đồ họa có số má hẳn hoi lại con nhà nòi hành nghề phố làm bạc đô thành rồi mang nghề vào hòn ngọc viễn đông như tui thì việc chế tạo đảo tráo gắn tháo vài con chữ kim loại trên huy hiệu trong nửa tiếng đồng hồ chỉ là muỗi

mô Phật ạ trên đây là sự thật toàn bộ sự việc trẻ trâu vừa xảy ra rất không tương xứng với sự kiện và địa danh giữa đại dương phên dậu bao la hùng thiêng trong dòng sinh mệnh dân tộc ngàn đời

mô Phật ạ kính mong các cơ quan chức năng trong ngoài nghệ thuật trên dưới quân đội giữa chính quyền tâm đoàn thể hãy xét đơn cho tui được lãnh kỷ luật đích đáng nhất và lời trước cuối cùng của đơn là tui yêu nhỏ trường-ca-ca này có sóng gió làm chứng tui yêu hai quần đảo này huy hiệu đỏ cãi cho tui[174]

chào thân ái và quyết lãnh kỷ luật đích đáng nhất (mà từ đó 4 chúng tôi sẽ như 4 hònđảo tìm nhau xếp lại đội hình”[175]) đa tạ mô Phật ạ

Vĩ thanh 2:

Một năm sau…

Biển một bên em một bên[176]

tin hồng thực ra chẳng mới

phây mạng từng tưng bừng đăng

đẹp duyên phụng loan cầm sắt

cô dâu họa sĩ xinh tài

chú rể nguyên Chuẩn đô đốc

cả hai tân gái tân trai

biển một bên anh một bên…

… Kết cho toàn bộ chương hồi

từ cuộc tráo tên huy hiệu

tới chuyện song hỷ tướng - sĩ

nữ sĩ - thiếu úy thành thân

tất cả không có gì lạ

vẫn chuyện thường ngày ở huyện[177]

dẫu là huyện đảo sa sa…

6.2 BÊN LĂNG ÔNG CHỜ RA BIỂN

Mỗi lần về thăm hòn ngọc

viễn đông tên gọi chưa xa

thường ngụ nơi phố hoàng đế

đầu tiên của quốc gia ta

sau hơn ngàn năm trển thuộc

đại cồ bốn cõi từ rày

tự chủ chính thống độc lập

vương triều chính thể tới nay

Nhà cách hai đường song hành

tiền tiêu nhị danh quần đảo

vài trăm thước tây chim bay

xe ôm lòng vòng thoải mái

mươi mười lăm ngàn xong ngay

Nhớ đận 20 năm trước

sình thối kênhđen phát khiếp

hổ danh tên vàng tên cát

nay bộ đôi đàng hạng nhất

cây cối xanh màu tràn ngập

đôi bờ vườn cảnh hoa tươi

ô kìa như lửa huệ chuối

xưa ai qua đều bịt mũi

gái trai hẹn hò đưa rước

thể dục sớm U90

điểm lý tưởng dân thư giãn

tệ nạn đi chỗ khác chơi[178]...

Lần rồi tái thăm hòn ngọc

viễn đông để ngóng viễn dương

đầu nằm ghếch lên tên thật

chân hóng nơi bị mất tên

… Kể luôn sự nầy nhân thể

mấy dịch vụ xe công nghệ

thông tin cập nhật chậm trễ

cứ xài tên phố hoàng đế

bao bận dở công lỡ việc

trùng lặp mới cũ tùm lum

đường sá tên đổi triền miên

ấy cái nước mình nó thế[179]...

trước thời 1975

đạo lộ suốt từ lăng ông

cho chí đầu cầu hoa bông

vang danh tả quân lẫm liệt

bỗng ngày 14 tháng 8

năm tái thống nhất sơn hà

tên đại lộ liền bị đổi

nối danh vị tổ tiên hoàng

(dài theo con đường quận 1)

mãi nhờ giỗ Ông lần thứ

188 quả thật may

16 tháng 9 năm hai

ngàn hai mươi thì lại được

phục hồi tên cũ là đường

mang danh hai lần tổng trấn

(chưa kể quận kế kề trên

cũng vác tên ông đường khác[180])…

Bất quá tam trường-ca-ca

vô lăng lạy Ông vái Bà

phẫu thuật ô kê bà xã

tiền trúng số đủ tậu nhà

(quẻ đầu đậu ngay lần đó

xăm sau chắc hổng còn xa)

mới rồi khờ biết gì đâu

vừa lạy khấn đầu mấy câu

vừa xin viễn hành hải đảo

ổng mắng quân bây ngu lâu

(tội kia phải đáng thiến… đầu)

tụi tau mở khai bờ cõi

ngon lành hơn cả cành đào

dọc xứ nam kỳ chiến địa

yên hàn thịnh vượng làm sao

tau mà còn gươm tổng trấn

(à nay tổng trưởng đại tướng)

quần đảo kia mất sao đành

mà trót ngu rồi để mất

thu hồi tính sổ cao xanh…

… Lần tiếp tái hồi hòn ngọc

viễn đông sẽquá vãng thăm

tứ cố lăng ông mộ bà

mộ bà lăng ông tứ cố[181]

6.3 ĐIỆP KHÚC

… Bạn đã nghe về hai trận hải chiến xa xưa?

Bạn đã biết ai đã thua cả hai lần đánh giặc?[182]

(Còn tiếp)

[144] Theo chữ thơ Chế Lan Viên (Bài Bể Và Người, Tlđd).

[145] Theo “Xáo chộn chong ngày” (Thơ Bùi Tr/Chát).

[146] Theo quan niệm chung về nghệ thuật Hậu hiện đại.

[147] Thành ngữ hiện đại.

[148] Thành ngữ hiện đại.

[149] Theo “Tài cao, phận thấp, chí khí uất / Giang hồ mê chơi quên quê hương” (Thơ Tản Đà).

[150] Tập truyện-ký của nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất bản lần đầu năm 2000 (từng được nhà văn Lê Lựu đánh giá là "thần bút"). Sách gồm 2 phần: Phần 1 mang tên Đảo Chìm có 16 truyện ngắn về những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam tại quần đảo Trường Sa mà nhà thơ đã gặp gỡ trong thời gian đóng quân ở đấy; tên Phần 2 là Thời Sự Và Ký Ức. Dung lượng cuốn sách chỉ gần 100 trang in. Từ đó đến nay, tháng 6/2024, sách được tái bản tới lần thứ 45 - một kỷ lục trong xuất bản ở Việt Nam. Tác giả tự đặt tên thể loại cho Đảo Chìm là tiểu thuyết mini. (“Đảo chìm” wikipedia.org 14/3/2024).

“Chẳng ai có thể kể tường tận diễn biến cốt truyện theo lẽ thông thường: Nhân vật chính là gì, cốt truyện ra sao, diễn tiến thế nào… Nếu có kỳ công xâu chuỗi, móc nối, thì chính người kể sẽ thấy sự rời rạc, gò ép trong ngữ điệu của mình. Nhưng nếu để “Đảo Chìm” ùa ra trước mắt, qua từng chương, từng chương sẽ cười rinh rích, cười rung cả rốn, rồi lại ầng ậng ở mắt, nghèn nghẹn ở cổ, và với người mau nước mắt có thể nấc lên khi dòng cuối cùng của cuốn sách này khép lại. Một lần như thế. Và lần sau lại như thế.” (“Trần Đăng Khoa riêng một Đảo Chìm”; Anh Thư, giaoducthoidai.vn 20/6/2024).

[151]Nói xấu” nhà văn”; Nguyễn Hữu Quý, vannghequandoi.com.vn 13/9/2024.

[152] Tên bản tiếng Pháp-Anh của bộ phim “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát” (nguyên bản tiếng Pháp “Hoang Sa Vietnam - La Meurtrissure”). Phim dài 59 phút với nội dung nói về cuộc đời hàng ngày của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bám biển sinh nhai và giữ biển cho Tổ quốc Việt Nam. Ba trọng điểm của bộ phim: 1. Hoàn cảnh cực kỳ gian khó và hiểm nguy của việc hành nghề biển xa bờ tại vùng quần đảo Hoàng Sa khi họ bị bắn giết, cầm tù bởi hải quân Trung Quốc; 2. Những phụ nữ ngư dân đã phải hy sinh gấp bội khi chồng con, anh em của mình đang vật lộn nơi sóng gió nguy nan; 3. Đời sống tâm linh qua các mộ gió, lễ hội nhắc tới các Đội Hoàng Sa có từ thế kỷ thứ 17 trước cả thời vua Gia Long.

Tác giả của bộ phim này có họ tên kép André Menras - Hồ Cương Quyết khi ông trở thành công dân song tịch Pháp-Việt vào năm 2009 của Việt Nam. Năm 1968 từ Pháp tới Việt Nam dạy tiếng Pháp, với tinh thần phản chiến đứng hẳn về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; năm 1970 A. Menras đã cùng một người bạn leo lên tượng Thủy quân Lục chiến ở Sài Gòn để treo cờ Mặt trận, rải truyền đơn đòi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, và bị xử tù ba năm. Ra tù, bị trục xuất về Pháp ông tiếp tục tranh đấu vì nền độc lập và thống nhất của Việt Nam; và quay trở lại Việt Nam hoạt động mạnh mẽ hơn khi giới cầm quyền bành trướng Bắc Kinh có những hoạt động hiếu chiến trên Biển Đông, nơi họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa năm 1988. André đau lòng nhất là về điều kiện sống và đấu tranh của ngư dân miền Trung Việt Nam. Tên cuốn phim nói lên “nỗi đau” của chính người viết kịch bản và đạo diễn - André Menras-Hồ Cương Quyết.

(Hồ Cương Quyết, vi.wikipedia.org 19/1/2024); “Hoang Sa La Meurtrissure” & “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”, youtube.com 30/10/2011; “Bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát” bị cấm tại TPHCM?”, rfa.org 30/11/2011; “Giao lưu với André Menras - Hồ Cương Quyết, tác giả bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, vanviet.info 10/7/2014; “Hoàng Sa - Việt Nam: nỗi đau mất mát”, tuoitre.vn 12/7/2014; “Chiếu phim tài liệu “Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, dangcongsan.vn 11/7/2014; “Lên đỉnh vinh quang rồi bị lãng quên như đồ phế thải” - Trích một chương hồi ký “Vietnam, entre le meilleur et le pire” sắp xuất bản - André Menras, diendan.org 12/5/2024).

[153] Tham khảo: “Danh sách các tác phẩm được trao giải thưởng sáng tác về Biên giới, biển đảo - Đợt 1” (vanvn.net 24/11/2020):

- Hạng Mục Tôn Vinh (12 giải): Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy); Huyền thoại tàu không số (Đình Kinh); Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh); Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy); Trường Sa trong mắt trong (Nguyễn Mạnh Hùng); Nậm Ngặt mây trăng (Nguyễn Hùng Sơn); Tình không biên giới (Kim Quyên); Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến); Đảo chìm, Hơi thở rừng Hồi (Vương Trọng); Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý); Nơi khôn thiêng của biển (Lương Hữu Quang).

- Giải Nhất (4 giải): Đảo chìm Trường Sa (Trần Đăng Khoa); Mình và họ (Nguyễn Bình Phương); Ba phần tư trái đất (Thi Hoàng); Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió (Trịnh Công Lộc).

- Giải Nhì (10 giải): Khúc tráng ca về biển (Chu Lai); Hòn đảo phía chân trời (Trần Nhuận Minh); Sóng Cửa Đại (Võ Bá Cường); Dòng sông chối từ (Bùi Việt Sỹ); Nước non mặt biển (Nguyễn Quang Hưng); Mang quê ra đảo (Nguyễn Thị Mai); Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ (Phạm Sĩ Sáu); Dưới mặt trời (Nguyễn Hoa); Tiếng chuông chùa trên đảo (Lê Quang Sinh); Ly cà phê đại dương (Nguyễn Thanh Mừng).

- Giải Ba (18 giải): Biển xanh (Chu Văn Mười); Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn (Lê Hoài Nam); Dòng chảy cuộc sống Trường Sa (Võ Thị Xuân Hà); Nhật ký hải trình nhà giàn (Phan Mai Hương); Những đứa con của đất (Mai Nam Thắng); Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, cung đường bất tử (Vũ Thanh Sơn); Xà Xía không xa xôi (Ngô Thế Trường); Hồn biển (Nguyễn Văn Đệ); Lốc rừng (Vũ Quốc Khánh); Sa Mộc (Phạm Vân Anh); Tổ quốc đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn); Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt (Nguyễn Thị Lan Thanh); Lão ngư Kỳ Tân (Bùi Minh Vũ); Ngang qua bình minh (Lữ Mai); Tìm trầm (Nguyễn Thị Vân Anh); Đất đi chơi biển (Phạm Đình Ân); Bên bếp lửa Trường Sa (Nguyễn Hưng Hải); Lốc biển (Nguyễn Minh Khiêm).

- Giải thưởng cho tập thể (7 giải): Báo Văn nghệ; Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam; Tạp chí Nhà văn và tác phẩm; Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Trang Web Hội Nhà văn Việt Nam (Vanvn.net); Tạp chí Thơ; Tạp chí Hồn Việt.

(“Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo”, nhandan.vn 22/11/2020).

[154] Theo “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” (Thơ Tố Hữu).

[155] "Trung-Việt Việt-Trung"; Đỗ Quyên, tiểu thuyết thời sự, 2016.

[156] Theo “"Có văn có ích, có văn chơi” (Tản Đà).

[157] Tlđd.

[158] Phương ngữ miền Trung.

[159] “Tính ra, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 210 cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử. Hầu như không có thế kỷ nào Việt Nam không phải kháng chiến chống xâm lược. [...] Hơn 210 cuộc chiến tranh [ngoại xâm và nội thù trong] 4 nghìn năm thì trung bình 19 năm 1 cuộc. Nói như Lão Tử và Platon [...] dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không lúc nào có tình trạng hoà bình trong lòng mình.” (“Một đất nước chiến tranh”; Đoàn Công Lê Huy, phaphoan.com 23/4/2024).

“Chúng ta có lúc chìm trong bóng tối phương Bắc cả mười thế kỷ, như nằm trong bụng con trăn khổng lồ.” (“Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Dân tộc mình xứng đáng có tương lai tốt đẹp!, tuoitre.vn 1/9/2024).

[160] Voltaire (1694 - 1778).

[161] “[...] Mao Trạch Đông qua đời [...] làm tôi nhớ có lần anh Trần Bạch Đằng nói sau sự kiện Hoàng Sa tháng 1.1974. Anh nói, muốn thoát cảnh “núi liền núi sông liền sông” thì phải lấy xà beng xắn cái dải đất hình chữ S cho xà lan kéo đi chỗ khác.” (“Gặp chị ở Mátxcơva”, nguoidothi.net.vn 28/5/2024).

[162] Mươi năm qua "Chuyện tổ quốc moving bất thành" đã được in ấn theo nhiều phiên bản (như vanchuongviet.org 2/6/2014, damau.org 9/6/2014, vanviet.info 5/72014, trieuxuan.vn 11/5/2020 cùng một số địa chỉ nay không còn truyenthong.info, giangnamlangtu.wordpress, nhattuan, và gần nhất là trong sách Trung-Việt Việt-Trung) với nhiều tu chỉnh câu chữ, trường đoạn, thông tin. Điều khác nhau chủ chốt giữa các bản thảo là ở tên vài địa danh chính: Kanada / Calada; Đại Việt / Vượt Nam; Trung / Chung Huê... Vào năm ngoái, bản chót - hiện chưa đăng tải - đã tham dự tuyển truyện song ngữ Việt-Anh của một báo mạng văn chương ở Hoa Kỳ, và cuộc thi truyện ngắn của một tuần báo văn nghệ ở Việt Nam.

[163]Thi pháp đại dương” trong tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung của Đỗ Quyên” (Lời bạt của Đỗ Minh Tuấn, vanhoanghean.vn 23/2/2016; trieuxuan.vn 11/5/2020).

[164] Theo “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo.” (Trích truyện của Nam Cao).

[165] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).

[167] “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - một phương châm của Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam.

[168] “Lingik tathik lơy” - tiếng than của người Chăm, Tlđd.

[169] Thơ Nguyễn Ngọc Phú, Tlđd.

[170] Thơ Trần Đăng Khoa, Tlđd.

[171] Trích Truyện Kiều (Nguyễn Du).

[172] Thơ Lưu Quang Vũ (Bài Hơi Ấm Bàn Tay).

[173] Trích trường ca Hữu Thỉnh, Tlđd.

[174] Theo "Tôi yêu đất nước này có cỏ cây làm chứng / Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi" (Thơ Trần Dần).

[175] Trích trường ca Hữu Thỉnh, Tlđd.

[176] Theo “Biển một bên và em một bên” (Thơ Trần Đăng Khoa, Tlđd).

[177] Thành ngữ hiện đại.

[179] Ngạn ngữ hiện đại.

[180]Đường Lê Văn Duyệt, Thành phố Hồ Chí Minh”, vi.wikipedia.org 19/1/2024.

[181] Theo “Tam cố thảo lư” (Điển tích Tam Quốc - Trung Hoa).

[182] Theo “Bạn đã nghe về trận hải chiến xa xưa? / Bạn đã biết ai đã thắng dưới ánh trăng sao đêm ấy?” (W. Whitman, Tlđd).

Quần-đảo-tráo-tên (3) (2024)

References

Top Articles
Latest Posts
Recommended Articles
Article information

Author: Stevie Stamm

Last Updated:

Views: 6290

Rating: 5 / 5 (80 voted)

Reviews: 87% of readers found this page helpful

Author information

Name: Stevie Stamm

Birthday: 1996-06-22

Address: Apt. 419 4200 Sipes Estate, East Delmerview, WY 05617

Phone: +342332224300

Job: Future Advertising Analyst

Hobby: Leather crafting, Puzzles, Leather crafting, scrapbook, Urban exploration, Cabaret, Skateboarding

Introduction: My name is Stevie Stamm, I am a colorful, sparkling, splendid, vast, open, hilarious, tender person who loves writing and wants to share my knowledge and understanding with you.